Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua,
ngành Nông nghiệp và PTNT đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.Qua đó, góp phần
làm thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất,
chất lượng và nâng tầm giá trị sản phẩm.
Tuy nhiên, hành trình thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp còn nhiều
“điểm nghẽn”, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, doanh nghiệp và
nông dân. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện
nay, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và tiêu thụ sẽ làm giảm đứt gãy
các chuỗi cung ứng, giảm thiệt hại cho cả sản xuất, tiêu thụ và xuất - nhập
khẩu nông sản.
Nông nghiệp số là gì?
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong nông
nghiệp số, bên cạnh tư liệu sản xuất truyền thống, người nông dân sử dụng thêm
tư liệu số, đó là dữ liệu số và công nghệ số. Vì vậy, người nông dân sẽ phải có
thêm một số tri thức, kỹ năng về thương mại, công nghệ, sinh học chứ không chỉ
đơn thuần là kỹ năng sản xuất. Thay vì chỉ đơn thuần là “trông trời, trông đất,
trông mây”, người nông dân sẽ “trông dữ liệu, trông dữ liệu và trông dữ liệu”.
Thay vì chỉ đơn thuần mua giống cây, mua phân bón, người nông dẫn sẽ phải mua
dữ liệu nữa. Và Nhà nước có thể giúp cho toàn bộ nông dân Việt Nam bằng cách
tạo ra những dữ liệu cơ bản sẵn sàng và miễn phí.
Trong nông nghiệp số, bên cạnh bán nông sản, người nông dân có thể bán thêm
cả sự trải nghiệm. Cách nhìn nhận nên thay đổi, thay vì nhìn nhận chỉ là sản
xuất nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế nông nghiệp, thay vì nhìn nhận
chỉ là kinh tế nông nghiệp, hãy nhìn nhận thêm là kinh tế số nông nghiệp. Thay
vì chỉ tìm cách đáp ứng nhu cầu “ăn cho no” thì hãy đáp ứng thêm nhu cầu “ăn
cho ngon”. Thay vì chỉ giải quyết bài toán cho nhu cầu của số đông thì hãy đáp
ứng thêm bài toán cho nhu cầu cá thể hoá, nhu cầu của nhóm nhỏ người dùng khác
biệt. Chuyển đổi số, công nghệ số cho phép giải quyết vấn đề này. Đây chính là
nông nghiệp số.
Trong nông nghiệp số, người nông dân thời đại số có thể vượt qua được điểm
yếu cố hữu của người nông dân ngàn đời nay. Đó là “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng
nhà ai nấy làm”. Vì dữ liệu số càng chia sẻ thì lại càng giá trị, càng chia sẻ
lại càng lớn lên thay vì nhỏ đi. Và vì thế, trong nông nghiệp số, người nông
dân sẽ nhanh chóng thấy được lợi ích, giúp hình thành một hệ sinh thái, thay vì
sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, và giúp hình thành chuỗi giá trị thay vì chỉ đơn
thuần là chuỗi liên kết.
Dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Đứng trước ý thức ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc
nông sản và thực phẩm, mới đây, Bộ Công Thương đã có kết quả của một cuộc khảo
sát cho thấy, 49% người tiêu dùng quan tâm đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm,
47% muốn tra cứu nhưng không có đủ thông tin, 74,8% cho rằng rất khó để truy
xuất nguồn gốc hàng hóa. Do đó, rất cần phải minh bạch hóa quy trình sản xuất
và chuỗi cung ứng.
Đây được xem là giải pháp cho người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập
đầy đủ thông tin về sản phẩm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về
nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn (sinh ra, chăn nuôi, xuất trại,
giết mổ, xử lý, đóng gói và phân phối).
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ XNK Bé
Dũng ở xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam - Bình Thuận), cho biết: Trung bình
mỗi năm doanh nghiệp xuất sang thị trường Trung Quốc 400-500 tấn thanh long. Do
thị trường nước bạn yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc, công ty đã tuân thủ
và thực hiện ứng dụng công nghệ vào việc dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ
trái thanh long. Nhờ vậy, thanh long xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường
Trung Quốc đều được làm thủ tục nhập khẩu nhanh chóng.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp và Điện
năng xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), cho biết: Các sản phẩm của HTX đều
được đóng gói, thông tin đầy đủ về sản phẩm in trên bao bì... Người tiêu dùng
chỉ cần thông qua ứng dụng quét mã trên điện thoại thông minh là có thể kiểm
tra thông tin về cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói,
quá trình vận chuyển, hạn sử dụng... Nhờ truy xuất được nguồn gốc, các sản phẩm
rau an toàn do HTX sản xuất đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã và đang khuyến khích các
doanh nghiệp, HTX, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống QR code để truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn,
thông minh, nâng giá trị thương hiệu sản phẩm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, việc ứng dụng phần mềm hệ
thống quản lý thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản,
thực phẩm của Hà Nội còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả kinh tế
đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Sở dĩ vậy là bởi chính sự
ràng buộc về chất lượng sản phẩm và các yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sẽ thúc
đẩy các tổ chức, DN, người sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đáp ứng được
các tiêu chuẩn khắt khe. Qua đó, kiểm soát hiệu quả vấn đề an toàn thực phẩm.
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại
điện tử đang là giải pháp giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị
ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ
số.
Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí
ưu tiên trên sàn thương mại điện tử Voso thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”
cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong
cả nước. Nhờ đó đã tiêu thụ được sản lượng vải của năm nay tại thị trường trong
và ngoài nước
Khi mùa vải thiều ở vùng “tâm dịch” Bắc Giang năm nay vào vụ với sản lượng
lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh
tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Bắc Giang hợp
tác với các sàn thương mại điện tử như Sendo, Voso, Postmart, Lazada… và các
đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vải thiều Bắc Giang qua
phương thức thương mại điện tử. Hiệu quả là hàng trăm nghìn tấn vải thiều được
thị trường trong và nước ngoài tiêu thụ, đây có thể nói là thắng lợi lớn của
tỉnh Bắc Giang, vải thiều đã không còn phải “giải cứu” như những năm trước nữa.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Từ trung tuần
tháng 6/2021 đến nay, Lạng Sơn đã giao Sở TT&TT phối hợp với UBND huyện Chi
Lăng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel
triển khai thí điểm kinh tế số, cửa hàng số tại địa bàn xã Chi Lăng và thị trấn
Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Đến nay, kết quả đã vượt chỉ tiêu đề ra với trên
1.000 cửa hàng số bán nông sản trên các sàn giao dịch điện tử của các gia đình
đã được thiết lập.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn
mạnh, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử
đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố và được đánh giá là giải pháp
hiệu quả, bền vững giúp các DN tại địa phương ứng dụng công nghệ số để tiếp cận
và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.
Theo ông Chu Quang Hào, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Bưu
điện Việt Nam (VNPost),bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản
bắt đầu từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và
Postmart (VnPost). Điều này cho thấy người dân lên sàn thương mại điện tử tăng
đột biến.
Ngoài việc có hàng trăm nghìn người mua nông sản trên sàn thương mại điện
tử, người tiêu dùng còn rất yên tâm khi biết nguồn gốc sản phẩm nông sản được
trồng ở đâu? Trồng như thế nào? có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không? Tất cả
chi cần quét mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Mới chỉ bắt đầu
Gần đây, ngành Nông nghiệp và PTNT bắt đầu quan tâm hơn đến các giải pháp
chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công
nghệ IoT, Big Data bắt đầu được ứng dụng thông qua các sản phẩm công nghệ số
như phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, đất đai, loại cây và
giai đoạn sinh trưởng của cây; người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các
thông số này theo thời gian thực…
Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng
rộng rãi. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình
nổi bật là các trang trại hiện đại của TH True Milk, Vinamilk...
Trong lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ DND mã mạch trong quản lý giống lâm
nghiệp và lâm sản; công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm phát
hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện
sớm mất rừng, suy thoái rừng...
Trong thủy sản là việc sử dụng thiết bị dò cá sử dụng sóng siêu âm, máy đo
dòng chảy, điện thoại vệ tinh; máy thu lưới vây (đứng); hệ thống thu - thả lưới
chụp, công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) giúp quản lý đội tàu
khai thác hải sản xa bờ…
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích
các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi. Công
nghệ tự động hóa đã được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến thủy sản từ
phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất..., giúp giảm chi phí sản xuất,
bảo đảm chất lượng sản phẩm thủy sản...
Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận, với nền nông nghiệp khá manh mún, ít
có DN lớn (như Công ty CP Nông nghiệp Trường Hải - THAGRICO) để hình thành công
nhân nông nghiệp thì quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam còn
chậm và độ phủ chưa rộng. Mô hình chuẩn quản trị sản xuất nông nghiệp: “Khu
liên hợp + Công ty - Cụm xí nghiệp - Xí nghiệp - Nông trường” còn ít, nên hiện
chưa có nhiều “nông dân số” như các nước trong khu vực. Tại một số nước
khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia.., máy bay phun thuốc được đưa vào
sử dụng khá phổ biến, chúng ta thì... còn ít.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thấy sự kết hợp các hệ thống năng lượng hỗn
hợp phục vụ sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau (điện lưới, mặt trời, điện gió,…)
được sử dụng cho tưới tiêu và kho lạnh, với mục đích phục vụ cho trang
trại nhỏ và khu vực vùng sâu, vùng xa hoặc nơi chưa có điện.
Ngoài ra, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp khó về cơ sở hạ tầng cho
phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông
nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ cơ
giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ
khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương
xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông
sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...)
rất hạn chế,...
Đầu tư công nghệ số phải từ doanh nghiệp, trang trại lớn
Tại Hội nghị về Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, lãnh đạo nhiều
tỉnh, thành cũng như doanh nghiệp đã đưa ra ý kiến rất có giá trị, đồng
hành cùng Chính phủ để thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc
gia.Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết, để bảo đảm
chuyển đổi số trong nông nghiệp thì cần đi ngay, đi nhanh và đi chính xác. “Do
đó, điều tôi mong muốn nhất là doanh nhân, nông dân Việt Nam tiếp cận được
chuyển đổi số. Hội tụ chuyển đổi số nông nghiệp không chỉ trong nước mà toàn
cầu”.
Nhưng một điều rất dễ nhận thấy, nếu không có sự chung tay của Nhà nước,
của doanh nghiệp vào công cuộc chuyển đổi số, thì chúng ta khó đạt được mục
tiêu số đề ra. Bởi công nghệ số trong nông nghiệp không chỉ đơn thuần là một
chiếc “smartphone”, rất nhiều những thiết bị thông minh cần phải lắp đặt, hệ
thống nhà nước cũng cần phải được dựng lên, còn nhiều những thiết bị khác nữa.
Chiếc “smartphone” được kết nối internet sẽ thực hiện công việc cuối cùng là
ấn/chạm để kích hoạt mọi thiết bị thông minh hoạt động. Mà người nông dân nếu
không có sự hỗ trợ hay không phải là doanh nghiệp, trang trại lớn sẽ không thể
có nguồn lực tài chính để thực hiện được.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Hiệp, Giám đốc Tư vấn
Chuyển đổi số - Tập đoàn FPT nói: “Tôi mong muốn sự hợp tác. Quan điểm tư vấn
của Tập đoàn FPT thì chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là việc lớn nên
không làm một mình. Chỉ có sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp thì mới có
thể làm đúng, làm nhanh”.
“Đừng để lỡ chuyến tàu công nghệ số”
Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và PTNT kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền
thông tổ chức một hội nghị trực tuyến “Chuyển đổi số trong nông nghiệp và
PTNT”. Hai Bộ trưởng đều đồng tình và thống nhất đánh giá, trong điều kiện phát
triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, thông tin là một trong những yêu cầu quan
trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, khó khăn
của người nông dân luôn là khoảng cách với thành phố. Khó khăn của họ là
không tiếp cận được với đào tạo chất lượng cao cho con cái, là không tiếp cận
được với y tế chất lượng cao. Thu hẹp khoảng cách này lại chính là lợi thế của
công nghệ số, của chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số không phải là cái gì quá "đao to búa lớn" mà thực
chất là cách làm nông nghiệp khác đi nhờ dữ liệu và công nghệ số”, ông Hùng
nói.
Ông Hùng chia sẻ: Chuyển đổi số thì ứng dụng quan trọng hơn công nghệ.
Người ứng dụng quan trọng hơn người làm ra công nghệ. Không có người đi tiên
phong ứng dụng công nghệ thì không có công nghệ. Với công nghệ số thì càng ứng
dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ.
Vậy là làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng
dụng. Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết
định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, sự mù mờ về thông
tin như hiện nay sẽ làm ngắt quãng cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị
trường trong khi thị trường mù mờ về sản xuất, cơ quan quản lý cũng mù mờ về
chuyện đó. Một nền nông nghiệp mù mờ sẽ dẫn đến hệ quả phải giải cứu. Do đó, Bộ
Nông nghiệp và PTNT sẽ bắt tay ngay vào chuyển đổi số để không lỡ nhịp đoàn
tàu.
“Chúng ta dứt khoát không để lỡ chuyến tàu chuyển đổi số. Lỡ chuyến tàu là
có tội với hàng triệu nông dân, là thiếu trách nhiệm với tương lai của nền nông
nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Ông Hoan nhấn mạnh: “Bộ Nông nghiệp và PTNT muốn xây dựng một hình ảnh nền
nông nghiệp chuyển đổi số, hình ảnh hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam không
phải là chân lấm tay bùn nữa mà là những người nông dân thông minh, những người
nông dân chuyển đổi số. Bản thân việc này đã tạo ra giá trị cho nông sản Việt
Nam rồi”.
Theo đánh giá, tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam
là rất lớn vì được sự ủng hộ từ Chính phủ, các bộ, ngành cho đến
các DN công nghệ, DN nông nghiệp. Đây là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi
ngược lại. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm
để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai, tiến tới nền nông
nghiệp thông minh.
Bài: Sưu tầm